Thứ Tư, 5 tháng 3, 2014

*nix step 5: Chạy ứng dụng Windows trên Linux (Ubuntu), cài fonts Windows cho Linux.

Đặt vấn đề: Có 02 vấn đề sau:

  1. Ở bài trước (*nix step 4: Tìm hiểu về kho ứng dụng ('chợ' ứng dụng) Ubuntu Software center), các bạn đã biết rằng Ubuntu vốn có kho ứng dụng tên là Ubuntu Software Center, có hơn 43000 ứng dụng chất lượng và hầu hết đều miễn phí, đủ đáp ứng cho nhiều nhu cầu về cơ bản cũng như chuyên sâu. Tuy nhiên, chừng đó (dùng cả đời có khi chưa hết :p), đối với nhiều người là chưa đủ, bởi vẫn còn thiếu những ứng dụng mà họ đã quen khi làm việc với hệ điều hành trước đây: Windows.
  2. Đối với nhiều người (bao gồm cả tôi trước đây), việc chuyển từ Windows sang Linux là một cái gì đó vẫn còn quá mới mẻ. Có nhiều ứng dụng cần thiết khác chỉ chạy được trên Windows, mà không chạy được trên hệ *nix, do hệ *nix không làm việc với các file .exe.

Giải quyết thế nào?

1. CHẠY ỨNG DỤNG WINDOWS TRÊN UBUNTU:

Thực ra rất đơn giản, chỉ cần cài Wine.
Vào Ubuntu Software Center, gõ vào ô tìm kiếm từ "wine":

Có 3 chương trình sau hiện ra, mình xếp theo thứ tự cài đặt:
a. Wine Windows Program Loader: Đây là chương trình bắt buộc phải cài, nếu muốn thực thi chương trình .exe của Windows trên Linux (Ubuntu).
b. Microsoft Windows Compatibility Layer (meta-package): Chương trình này bổ trợ cho chương trình a, nhằm giúp thực thi được nhiều .exe cùng thời điểm, nếu bạn muốn, và hiển thị chính xác hơn trên Linux. Chương trình này không bắt buộc phải cài, tuy nhiên bạn nên cài đặt để thực thi ứng dụng Windows trên Linux (Ubuntu) cho tốt.
c. Q4Wine: Trong trường hợp Linux (Ubuntu) của bạn cài nhiều chương trình .exe của Windows, có thể bạn nên cài thêm Q4Wine để dễ dàng quản lý.



Như vậy: a. bắt buộc phải cài; b. nên cài và c. có thể cài, có thể không.

Sau khi cài đặt xong xuôi: Xin chúc mừng: Từ nay trở đi, Linux (Ubuntu) của bạn đã trở thành một cỗ máy có thể chạy được hầu hết các ứng dụng của Windows! với thao tác rất đơn giản: Chỉ cần click chuột phải vào file .exe đó, và chọn "open with Wine Windows Program Loader"!
./.

VÍ DỤ KINH ĐIỂN (MS Paint with Wine on Ubuntu):
Ta thử chạy một chương trình .exe của Windows trên Linux xem sao: Chương trình đó chính là paint.exe:

Bước 0: Download MS Paint tại địa chỉ http://download.microsoft.com/download/winntwks40/paint/1/nt4/en-us/paintnt.exe
Bước 1: Sau khi download xong, ta được paintnt.exe: Lúc này, click chuột phải vào paintnt.exe chọn "Extract here" sẽ được folder paintnt như hình sau:

Bước 2: Click đúp chuột vào folder, và click chuột phải vào MSPAINT.EXE chọn "Open with Wine Windows Program Loader".

Xong! Paint quen thuộc đã hiện ra cho bạn vẽ ^_^

Ví dụ khác về việc chơi điện tử bốn nút (Contra, Mario, xe tăng... và hàng ngàn trò khác trên Ubuntu):

2. CÀI FONTS TRÊN LINUX (UBUNTU):

Vấn đề:

  • Fonts mặc định của Linux (Ubuntu default fonts) nhìn không quen mắt.
  • Cần viết lách, in ấn bằng font hỗ trợ Unicode quen thuộc như Times New Roman.
  • Cần một số font để viết chữ thư pháp, chữ định dạng VNI,...
  • ...

=> Cần cài thêm fonts.

..Thực ra, khi cài Wine để chạy ứng dụng Windows cho Ubuntu, các bạn đã cài luôn cho mình 1 ít Windows font. Nhưng trong trường hợp cần thiết khác (như các vấn đề liệt kê trên), ta cần phải cài thêm fonts cho Linux.

Ví dụ để cài, đơn giản như sau:
Bước 1: Download một số fonts quen thuộc (ví dụ ttf windows fonts, có cả Times New Roman, click để download);
Bước 2: Giải nén tất cả ra, các fonts sẽ có đuôi ví dụ là *.ttf;
 Bước 3: Vào Home folder, ấn tổ hợp phím "Ctrl+H" để hiện ra các file(s)/folder(s) ẩn;
Bước 4: Bạn sẽ thấy folder ẩn ".fonts" hiện lên; copy và paste toàn bộ fonts vào đó => xong.
(Nếu không có, các bạn click chuột phải chọn "Create new folder" rồi đặt tên cho folder mới là ".fonts"):

Bước 5: Tắt đi và bật lại ứng dụng đang cần dùng font (ví dụ Chromium, hay bộ office...), bạn sẽ thấy có hiệu lực ngay mà không cần phải khởi động lại máy ;)

Có rất nhiều cách cài fonts khác, nhưng mình chỉ cần nói cách đơn giản nhất. Cách đơn giản nhất là như trên. Ngoài ra, sau này, bạn có thể cài qua các gói .deb hay cài qua cửa sổ dòng lệnh (Terminal).

Chúc các bạn thành công. Nếu gặp khúc mắc gì, vui lòng để lại thảo luận ở dưới bài.

4 nhận xét:

  1. còn cách cài đặt các file.rpm thì như thế nào ah?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. RPM (The Red Hat Package Manager) là họ khác, debian là họ khác.
      Mình chưa giới thiệu các họ linux. Tất nhiên vẫn có cách chuyển đổi và cài đặt, nhưng đó là câu chuyện của các bài sau này, không phải dành cho nhãn "Linux beginner" rồi ;)

      Xóa
  2. Thảo luận của bạn bè trên facebook, về bài viết này, có tại địa chỉ:
    https://www.facebook.com/photo.php?fbid=300509236762724

    Topic trên 'phát hiện' rất nhiều người cùng mê ..điện tử 4 nút, như Contra, Mario, Tank... :p

    Trả lờiXóa