Chủ Nhật, 2 tháng 3, 2014

*nix step 2: Cài đặt Linux (Ubuntu)

Ở bài trước, *nix step 1: Giới thiệu Linux (Ubuntu), các bạn đã có cho mình 1 bộ cài đặt Ubuntu (ví dụ, nếu download đúng phiên bản như bài 1 đã hướng dẫn, thì nó có tên là ubuntu-12.04.4-desktop-i386.iso).
Các bạn download về trên Windows (XP, 7, 8..) đúng không?
Vậy bài này sẽ hướng dẫn cho các bạn cài Ubuntu song song với Windows, để đảm bảo rằng mỗi khi chán Windows, bạn có thể ghé qua Ubuntu để dạo chơi và ngược lại (quá trình đi dạo này cũng rất rất dễ dàng).
Nào, Chúng ta cùng bắt đầu!
<Tốt nhất trước khi làm, nên sao lưu dữ liệu quan trọng>


0. Những thứ bạn cần:

+ Một cái máy tính có ổ ghi đĩa DVD và 1 cái đĩa DVD trắng HOẶC 1 USBstick có dung lượng >=1GB.
+ file .iso đã download ở bài 1.

1. Tạo đĩa cài/USB cài đặt:

Bạn biết cách ghi đĩa trắng từ Windows chứ? Rất đơn giản, có thể dùng Nero hoặc 1 chương trình ghi đĩa tương tự để ghi cái file .iso kia ra đĩa. Xong. Bạn đã có 1 cái DVD cài đặt.
Trong trường hợp không thích dùng DVD để cài đặt, bạn có thể dùng USB để cài đặt theo cách sau:
Bước 1: Vào trang http://www.linuxliveusb.com/en/download để download LiLi (Linux Live usb creator) về.
Bước 2: Cắm USB vào máy. Cài đặt LiLi vừa download xong ra máy. Bật nó lên, được giao diện như hình sau:

+ Ở phần chọn USB (choose your key), bạn nhớ chọn đúng tên USB bạn vừa cắm vào máy.
+ Ở phần chọn nguồn cài đặt (choose a source), bạn click vào ISO/IMG/ZIP như ở hình minh họa, rồi chọn đến file .iso mà bạn vừa download về (ví dụ ubuntu-12.04.4-desktop-i386.iso).


+ Ở phần PERSISTENCE bạn cứ để im, không cần thay đổi gì cả (mình sẽ giải thích sau, đỡ rối bài).
+ Ở phần OPTIONS, các bạn cũng để im, không cần thay đổi gì cả. (Nếu muốn format USB thì tick chọn thêm vào ô "Format the key in FAT32...", lưu ý rằng phải đảm bảo rằng trên USB không có dữ liệu gì quan trọng khi tick chọn ô này).
+ CREATE: Bạn click vào cái hình tia sét và chờ 1 xíu.
==> XONG. Chúng ta đã có 1 cái DVD, hoặc 1 cái USB dùng để cài đặt Ubuntu.

2. Tạo phân vùng trống để cài Ubuntu:

BỎ QUA.
Ta tạo phân vùng trống bằng DVD/USB cài đặt Ubuntu cho đỡ nguy hiểm, hay dễ hơn là cài luôn trong Windows. Chuyển ngay sang mục sau.
(Đối với người quen dùng, có thể tạo phân vùng trống ở ngay bước này bằng đĩa hiren's boot, hoặc bằng gparted, hoặc bằng tính năng shrink volume ngay trên Windows XP/7/8).
(Lưu ý đối với người quen dùng: Chỉ cần tạo phân vùng trống (partitioned the disk and left space), không cần định dạng (format), bởi sau này Ubuntu sẽ tự động định dạng cho phù hợp với nó).

3. Thiết lập cài đặt từ DVD HOẶC từ USB:

Khởi động lại máy trong khi DVD cài đặt HOẶC USB đang cắm ở máy.
  • Nếu thấy máy khởi động vào màn hình cài đặt Ubuntu thì chúc mừng, bạn bỏ qua được bước này.
  • Nếu máy vẫn boot vào Windows như thường lệ, nghĩa là ta chưa thiết đặt trong Bios:

Ta thiết đặt như sau:
+ Khởi động lại máy.
+ Ấn F2 (hoặc Del, tùy mainboard) để vào BIOS setup.
+ Ở BIOS, chuyển sang tab "boot" bằng phím mũi tên (sang phải) trên bàn phím (hoặc phần cài đặt boot, tùy mainboard), ta thấy như sau:

Ta thấy USB (hay CD-DVD.. do mình đang hướng dẫn cài đặt theo USB nên mình chọn USB) đang ở vị trí bên dưới.
+ Chọn dòng USB như hình trên, rồi ấn F6 để cho nó nổi lên đầu như hình dưới:

+ Sau đó chuyển sang tab Exit, và chọn "Exit saving changes", rồi chọn "Yes" để lưu lại thiết đặt.
Xong phần 3, chuyển sang phần 4.

4. Cài đặt Ubuntu:

Sau khi khởi động lại máy, ta sẽ thấy 1 màn hình Ubuntu hiện lên: Quá trình cài đặt bắt đầu.
Quá trình cài đặt hết sức dễ dàng, chủ yếu next...next..., dễ dàng như cách bạn ăn 1 viên kẹo vậy:

Bước 1: Chọn ngôn ngữ: Có thể chọn tiếng Anh (English) để tăng cường trình độ tiếng Anh cho bản thân.

Bước 2: Chuẩn bị cài đặt:
Ubuntu sẽ kiểm tra xem máy có đủ chỗ trống để cài hay không? (Laptop) có cắm nguồn điện hay không (tránh trường hợp hết pin giữa chừng)? Có mạng hay không (không cần thiết lắm, để cài đặt cập nhật trong khi cài đặt chính)?
Bạn có thể tick chọn vào "Download updates while installing" và "Install third-party software" (để nghe nhạc mp3), có thể không, vì những việc này có thể làm sau khi cài đặt xong.

Bước 3: BẮT ĐẦU:
Trong trường hợp bạn đã có sẵn một hệ điều hành khác (Windows XP, 7, 8...) thì một màn hình như sau sẽ xuất hiện.
Để dễ dàng cho lần đầu tiên tiếp xúc, ta chọn "Install Ubuntu alongside them" (hay "Install Ubuntu alongside Windows 7"...), sau đó click "Continue" để tiếp tục.

Trong trường hợp bạn chọn "Erase disk and install Ubuntu", chúc mừng bạn: Bạn đã sẵn sàng từ bỏ hết mọi cái cũ để đến với cái mới: Lựa chọn này sẽ xóa sạch sẽ hệ điều hành cũ để đảm bảo bạn yêu Ubuntu đến suốt đời ^_^ Lựa chọn này cũng xóa sạch sẽ dữ liệu cũ của bạn. Đó là lý do mà ở ngay đầu, mình đã khuyên các bạn nên lưu lại dữ liệu (backup data) cho an toàn.
Trong trường hợp bạn muốn chia ổ (tức chia phân vùng//partition) cho Ubuntu, bạn lựa chọn "Something else". Lưu ý là nếu bạn không rành, hãy chọn "Install alongside" như mình nói ở trên, vì cách cài đặt bằng tay này bạn phải rành việc chia ổ cứng thành /, /home và /swap, không dành cho người mới cài lần đầu.

Bước 4: Where are you? (Bạn ở đâu)?
Bạn cứ chọn GMT+7 nếu ở Việt Nam, khi đó máy tính sẽ thiết lập múi giờ đúng. Bạn có thể chọn bằng cách click trên bản đồ hoặc tìm kiếm...
Sau đó click vào "continue" để tiếp tục.

Bước 5: Phần chọn bàn phím: 
Nếu bàn phím của bạn không có gì đặc biệt, bạn cứ chọn English (US) như hình minh họa dưới.

Bước 6: Bạn là ai?
Trong trường hợp lười, bạn cứ để "Log in automatically";
Trong trường hợp muốn bảo mật hơn chút, bạn chọn "Require my password to log in": Máy sẽ hỏi bạn mật khẩu mỗi lần đăng nhập.

Xin chúc mừng, bạn đã cài đặt xong Ubuntu, một bản phân phối của Linux! Nhấn vào restart now để khởi động lại!
Nhớ rút USB/DVD bỏ ra ngoài, ngay sau khi ấn nút "Restart now".

Sau khi khởi động lại, một màn hình tương tự như sau để xuất hiện: Bạn đã thành công.

Mời các bạn thảo luận, đặt câu hỏi thêm ở bên dưới, mình sẽ trả lời.

6 nhận xét:

  1. Câu hỏi 1 (LiLi): Step 3 PERSISTENCE có ý nghĩa gì?
    -------------------
    Trả lời:
    Nếu giữ nguyên (0MB), USB của bạn sẽ trở thành 1 thiết bị cài đặt có thể dùng để thử nghiệm xem thử Ubuntu "mặt mũi thế nào" (khi nhấp chữ "Try Ubuntu"), và đồng thời cũng là một thiết bị để cài đặt hệ điều hành Ubuntu.
    NHƯNG: Khi để 0MB, thì mọi thiết đặt của bạn trên hệ điều hành thử nghiệm khi dùng thử (Try Ubuntu) sẽ không được giữ lại sau khi khởi động lại. Ví dụ: Bạn thay đổi một cài đặt nào đó trên Ubuntu ở USB, hay cài thêm chương trình mới trên Ubuntu ở USB, hay copy ảnh vào 1 folder nào đó trên Ubuntu ở USB... thì sau khi khởi động lại, và lại trở lại "try Ubuntu", thì bạn sẽ không nhìn thấy các thiết đặt đó nữa: Tất cả trở về mặc định như ban đầu, như chưa có chuyện gì xảy ra (giống với chương trình Deep Freeze trên Windows ngày xưa).

    Để bạn có thể làm việc với Ubuntu trên USB như 1 hệ điều hành thực sự mà không cần cài đặt vào ổ cứng, bạn cần kéo chuột cho nó tăng MB lên, có thể là 100MB, có thể là 1GB... nếu USB của bạn dung lượng nhiều, và bạn muốn dùng Ubuntu ngay trên USB mà không cần cài đặt, thì mình khuyến cáo nên kéo lên tầm 2-3GB.
    Sau thao tác này, trên USB sẽ xuất hiện tập tin casper-rw có dung lượng tương tự.

    Trả lờiXóa
  2. Câu hỏi 2: Tạo phân vùng trống trước thì có lợi gì? Có thể tạo bằng gì?
    -------------------------------
    Trả lời:
    Khi tạo phân vùng trống trước, bạn có cái lợi là tạo ra được 1 hệ điều hành hoàn toàn độc lập (về phân vùng trên ổ đĩa) với hệ điều hành cũ.
    Như vậy, bạn đỡ nhầm lẫn khi quản lý files hệ thống của từng HĐH sau này, và rất nhiều khoản lợi khác.
    Bạn có thể chia phân vùng trống là khoảng 5GB trở lên. Cá nhân HTTL phân vùng cho Linux hơn 160GB.
    Nếu "không thích linux cho lắm" thì bạn chỉ cần để 5GB.
    ---
    Phân vùng cho Linux, các bạn có thể dùng ngay:
    + Tính năng "shrink volume" của Windows đã có sẵn, để chia ổ (hoặc dùng chương trình của bên thứ 3).
    + Hoặc dùng CD/USB Hiren's boot để phân vùng.
    + Hoặc dùng Gparted của USB cài đặt để phân vùng.
    Cá nhân HTTL đã dùng rất nhiều chương trình để phân chia ổ, và không gặp phải trở ngại gì, vì mục đích cuối cùng vẫn là: Chia được ổ (tạo phân vùng trống) để cài Linux (Ubuntu).

    Trả lờiXóa
  3. anh đang dùng bản nào thế ah. Em đang đao bản release 12. liệu có dễ dùng không

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mình cũng đang dùng 12.04 đây.
      Bản 12.04 vẫn chưa tốt bằng bản 13 như ngày trước mình dùng.
      Tuy nhiên, để phục vụ anh em nên mình đã sẵn sàng "erase Ubuntu 13.04 and install 12.04 LTS" để viết cho anh em cùng dùng :)

      Xóa
  4. Bài này đã nhận được đông đảo quan tâm của quý bạn bè, tại địa chỉ:
    https://www.facebook.com/adungz.bicay/posts/299650376848610

    TRÍCH GIỚI THIỆU:
    Đọc xong bài này, các bạn sẽ cài đặt thành công một hệ điều hành mới:
    + Hoàn toàn miễn phí, hỗ trợ suốt đời, lại dễ dàng cài đặt và giao diện đẹp thôi rồi.
    + Bảo mật cao hơn Windows: Với số virus Windows viết nhan nhản như hiện nay, thì Linux lại hoàn toàn miễn nhiễm với chúng (*.exe virus type).
    + Dễ dùng như Windows. Có khi dùng xong vài tiếng sẽ thấy "ngon" hơn Windows vì ..linux thật tuyệt vời <3

    Trả lờiXóa
  5. cảm ơn bài viết rất hay và chi tiết của anh :)

    Trả lờiXóa